Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Xuân an lành

Mưa phùn nặng hạt làm không khí những ngày giáp Tết ở Hà Nội đã nhiều xì-chét lại thêm cóng lạnh. Dân tình bùng nhùng mũ bảo hiểm áo mưa, xe máy ồn ào, vội vã dưới ánh đèn đường loang loáng mưa rơi.

Trong căn phòng hai bóng hình nửa nằm nửa ngồi, bất động lim dim trước màn hình vô tuyến. Tựa như đôi sam, họ chưa bao giờ rời nhau nửa bước kể từ ngày ông đi B trở về, có lẽ vì họ đã phải biền biệt xa nhau hơn chục năm lửa đạn chiến trường miền Nam. Ông đi chiến trường, bà ở lại Hà Nội làm cô giáo và nuôi con như bao cặp vợ chồng trẻ khác thời đó...

Thế rồi ông đã may mắn trở về mạnh khỏe và từ đó cuộc sống của họ chẳng khác gì một đôi sam. Những ngày mới về hưu, họ còn khoác tay nhau bách bộ vườn hoa hít thở khí giời, nhưng được vài năm thì thế giới của họ thu lại vô cùng nhỏ bé quanh quẩn trong căn phòng nhỏ. Ông bà may mắn có một cuộc sống gia đình đầm ấm hạnh phúc, con cháu thành đạt và ngoan ngoãn. Nhưng với cuộc sống hiện đại phải vận lộn mưu sinh thì thời gian dường như là một thứ hàng xa xỉ mà hiếm người trẻ còn may mắn có được đôi chút. Và những người già như ông bà thì tận hưởng thời gian của họ với nhau, trong thế giới nhỏ bé quanh chiếc giường ngủ và màn hình vô tuyến. Sáng, trưa, chiều, tối cứ như vậy - họ lãng quên thành phố ồn ã, lắm người hoặc chính thành phố này đã trở nên ghẻ lạnh với họ.

Còn hơn khối ông bà già khác, họ không phải mỗi người nằm một giường cạnh nhau trong phòng, mỗi khi ngồi dậy phải có con cháu đỡ, thỉnh thoảng ông rủa bà và bà rủa ông, lời lẽ cứ thế qua lại giữa hai cái giường đơn lạnh lẽo cách nhau một mét. Không, họ hạnh phúc hơn nhiều, đôi sam không rời nhau nửa bước; trong mắt bà, ông là vị tướng quân đội đẹp trai oai vệ và ông ngắm bà hàng giờ không chán như ngắm cô giáo trẻ thướt tha ngày nào. Mỗi năm một lần, họ rủ nhau đi nằm an dưỡng ở bệnh viện, vì đối với họ còn gì sợ hơn là bệnh tật và điều cấm kị không bao giờ được nhắc đến chính là "cái đó" - cái từ ngữ gần như đã bị xóa khỏi từ điển của họ - đã từ lâu họ không bao giờ ra khỏi nhà, không bao giờ đi tiễn đưa lần cuối những bạn bè xưa. Đối với ông bà cuộc sống là vĩnh cửu.

Nhìn họ, tôi chợt nhớ đến bài hát nổi tiếng của ca sĩ kiêm nhà sáng tác ca khúc nổi tiếng người Bỉ Jaques Brel - tên của bài hát là Les Vieux (Người già).

Người già họ không nói nữa hoặc nếu có chỉ đôi khi nói bằng ánh mắt

Dù có là người giàu có họ vẫn nghèo, họ không còn ảo vọng mà chỉ còn một trái tim cho hai người

Nhà của họ thơm mùi xạ hương, mùi sạch sẽ, mùi oải hương và cỏ xưa

Dù có đang ở Paris thì cũng như đang sống ở tỉnh lẻ nếu phải sống quá lâu

Phải chăng vì đã cười quá nhiều mà giọng họ khàn đi khi nói về ngày hôm qua

Và bởi lẽ đã khóc quá nhiều mà những giọt nước mắt còn lấp lánh trên mi mắt

Và nếu có run rẩy đôi chút thì đó là họ nhìn thấy chiếc đồng hồ quả lắc bằng bạc đang già nua

Không ngừng lắc lư trong phòng khách , nó nói có nó nói không, nó nói: ta đang chờ các ngươi

Người già không còn những giấc mơ, những quyển sách của họ gật gù ngủ, cây dương cầm nín lặng

Con mèo nhỏ đã chết, rượu muscat ngày Chủ nhật không còn làm họ cất tiếng hát

Người già không di chuyển nữa, cử động của họ cần quá nhiều thủ tục và thế giới của họ thật nhỏ bé

Từ giường ra cửa sổ, rồi từ giường ra ghế "phô tơi" và rồi từ giường đến giường...

Tôi bấm chuông mãi mới có người giúp việc ra mở cửa. "Ai đấy nhỉ?" Câu hỏi vang lên lạc lõng rồi chìm nghỉm - bà cất tiếng hỏi - "Cháu đến chúc Tết cô chú đây...." Âm thanh đáp lại cũng nhanh chóng rơi vào khoảng trống vắng của căn phòng lờ mờ ánh sáng qua khung cửa sổ.

Ông bà mừng rỡ khi có cô cháu đến thăm và mỗi năm một lần, tôi đến thăm ông bà vào dịp ngày Tết. Năm nào cũng vậy, vẫn đôi sam nửa nằm nửa ngồi trên giường lim dim nhìn màn hình vô tuyến. Vẫn chừng đấy câu hỏi và trả lời, vẫn chừng đấy thông tin.

Chiếc đồng hồ Liên Xô cũ tíc tắc trên bàn nước đón chào mùa xuân an lành.

B.Tú

 

Từ khoá: thế giới bão gia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét