Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:

Chiều 6-11, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về các dự án: Luật xây dựng (sửa đổi); Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Trong 4 dự Luật trên, đại biểu và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm tính cấp thiết phải ban hành Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) sau 7 năm thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2005.

 
 Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng báo cáo thẩm tra dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Ở Việt Nam trong những năm gần đây cùng với nhịp độ phát triển của nền kinh tế, đời sống xã hội được nâng cao thì môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm ở mức đáng báo động. Sức ép của gia tăng dân số cùng với sự phát triển mạnh của các ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, du lịch, dịch vụ...) là nguyên nhân phát sinh lượng chất thải ngày càng lớn vào môi trường.

Tính đến tháng 9 năm 2012, cả nước đã có 283 KCN (bao gồm cả khu chế xuất) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 80.000 ha trên phạm vi 58 tỉnh, thành phố. Hiện nay, mới chỉ có 66% KCN có hệ thống xử lý nước thải; hầu hết nước thải sinh hoạt ở các đô thị đều không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Ước tính, có khoảng 70% trong tổng số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày đêm phát sinh từ các KCN xả thẳng ra nguồn tiếp nhận không qua xử lý.

Môi trường đất đang có xu hướng bị ô nhiễm, suy thoái. Ở các vùng quanh đô thị, KCN và làng nghề, môi trường đất bị ô nhiễm bởi chất thải từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Ở khu vực nông thôn, môi trường đất bị ô nhiễm do việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thiếu bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, ước tính tổng lượng phân bón vô cơ sử dụng trong canh tác nông nghiệp vào khoảng 2,5 - 3 triệu tấn, trong đó có đến 50 - 70% không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường. Môi trường đất ở một số nơi còn bị ô nhiễm do chất độc hóa học, chất độc màu da cam tồn lưu sau chiến tranh. Hiện còn có 335 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trên cả nước đã được xác định nhưng chưa được giải quyết. Chất lượng môi trường không khí ở nước ta đang bị suy giảm, đặc biệt tại các thành phố lớn. Môi trường không khí ở các đô thị đều đã bị ô nhiễm bụi, có nơi bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là ở các đô thị lớn như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

 Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn cũng đang ở mức báo động. Nguyên nhân chính là do chất thải rắn từ hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong sản xuất nông nghiệp và từ rác thải sinh hoạt nông thôn. Mỗi năm tại khu vực nông thôn ở nước ta phát sinh trên 6,6 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại, 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi, chưa kể một khối lượng lớn các loại chất thải của hơn 1.300 làng nghề đã được công nhận và 3.200 làng có nghề. Hiện tượng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không đảm bảo thời gian cách ly của từng loại thuốc đã gây nên nhiều vụ ngộ độc, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm gia tăng. Nhiều nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc.

Vùng núi - mái nhà chung của đất nước nhưng cũng là nguồn phát sinh của nhiều vấn đề môi trường, đối với vùng đồng bằng và biển. Bên cạnh đó, thói quen, tập quán sinh sống của các tộc người thiểu số còn mang nặng tính chất dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Quá trình khai thác lại thiếu sự quy hoạch cần thiết cũng như sự điều tiết quản lý của Nhà nước nên đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với môi trường sinh thái.

Với tình trạng này, tài nguyên nước dưới đất sẽ tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng trong những năm tiếp theo cả về khối lượng và chất lượng. Tài nguyên khoáng sản đã và đang tiếp tục bị khai thác tràn lan, hoạt động khai thác gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi; các khu vực sau khai thác chậm được phục hồi, hoàn trả lại môi trường, lợi ích thu được từ khoáng sản chưa được phân phối hợp lý, chính vì vậy, cộng đồng dân cư tại các khu vực khai thác khoáng sản đã, đang và sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động bất lợi hơn lợi ích được mang lại. Ngoài ra, tài nguyên sinh học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức, thậm chí nhiều loài bị đánh bắt bằng phương pháp hủy diệt nên đang dần cạn kiệt. Nguy cơ mất cân bằng sinh thái trong tương lai là không thể tránh khỏi. Chất lượng nước mặt lục địa đang bị suy giảm, nước biển ven bờ có dấu hiệu bắt đầu bị ô nhiễm, có nơi đã bị ô nhiễm nặng. Các sông, hồ ao, kênh mương tại các thành phố lớn đều bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, vượt quá mức quy chuẩn cho phép từ 1,5 - 3 lần.

Mặc dù độ che phủ của rừng đến năm 2013 đạt xấp xỉ 40% nhưng chất lượng rừng vẫn đang tiếp tục giảm mạnh, tỷ lệ rừng nguyên sinh còn rất ít, lại tiếp tục bị xâm hại. Đa dạng sinh thái của nước ta tiếp tục suy giảm về lượng và suy thoái về chất với tốc độ cao, diện tích các hệ sinh thái tự nhiên như rừng ngập mặn ven biển, đất ngập nước, núi đá vôi, bãi bồi, cửa sông ven biển bị thu hẹp, chất lượng bị xuống cấp. Số loài và số cá thể các loài hoang dã giảm mạnh, hiện có 882 loài thực vật, động vật hoang dã quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đang bị đe doạ ở các mức độ khác nhau. Nhiều loài giống bản địa bị mai một, sinh vật ngoại lại xâm hại chưa được kiểm soát. Đa dạng sinh học suy giảm với tốc độ báo động ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững và để lại nhiều hệ quả chưa lường hết được.

 
 Rác thải không qua xử lý đang khiến môi trường nhiều vùng đô thị, nông thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức từ an ninh nguồn nước đang bị đe dọa; ô nhiễm xuyên biên giới chưa thể được kiểm soát; sinh vật ngoại lai xâm hại, sinh vật biến đổi gen xâm lấn tiếp tục gia tăng và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục gây nhiều tác động xấu đến môi trường nước ta. Chính vì vậy, nếu chúng ta không có các giải pháp nhằm xây dựng năng lực, tăng khả năng chống chịu của môi trường, các hệ sinh thái và cộng đồng dân cư thì các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu sẽ còn tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam.

Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường với mục tiêu đến năm 2020 tiến tới một xã hội có môi trường xanh, sạch, đẹp, phát triển kinh tế - xã hội luôn lấy con người làm trung tâm và dựa trên cơ sở bảo tồn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người, duy trì tính đa dạng và năng suất của thiên nhiên. Tuy nhiên để đạt được những chỉ tiêu sinh thái và nâng cao điều kiện, môi trường sống của người dân (80% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu; thu gom 95%, tái sử dụng hoặc tái chế trên 75% tổng chất thải rắn sinh hoạt, 80% chất thải rắn công nghiệp, xây dựng; 95% dân đô thị, 90% dân nông thôn được cung cấp nước sạch; 70% các hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt yêu cầu; giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP đạt 42 - 45%; 50% đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh, v.v), cần sự chung tay, quyết tâm cao của toàn xã hội. Trong đó, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường trong tình hình mới vào Luật là một yêu cầu cấp bách.

PV

Từ khoá: nền kinh tế bão đa dạng báo động xây dựng gia tăng phát sinh phát triển kinh tế nhà nước sản xuất nông nghiệp môi trường diễn biến phức tạp nông nghiệp biến đổi khí hậu luật bảo hiểm gia công nghệ nông thôn chất lượng khai thác môi trường sinh thái nghiêm trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét