Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Nhớ “cây đại thụ” của văn học thiếu nhi Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Tô Hoài là tác giả của những tác phẩm văn học thiếu nhi hàng đầu, là người tham gia sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng và là chủ tịch đầu tiên của Hội đồng văn học thiếu nhi Việt Nam.

Nhớ
Nhà văn Tô Hoài (đội mũ) và nhà văn Lê Phương Liên (thứ hai từ phải sang) cùng Ban lãnh đạo Nhà xuất bản Kim Đồng trong một cuộc họp năm 2009. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nhà văn Lê Phương Liên may mắn được tiếp xúc với nhà văn Tô Hoài từ năm 20 tuổi khi bà bắt đầu viết tác phẩm đầu tiên cho thiếu nhi. Nhà văn Lê Phương Liên tâm sự rằng đối với giới sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Tô Hoài như một người cha, một người anh, một thủ lĩnh. Không một nhà văn nào không bái phục quyển "Dế mèn phiêu lưu ký". Có thể ví văn học thiếu nhi như một khu vườn thì nhà văn Tô Hoài như một cây đa lớn. Sự ra đi của nhà văn Tô Hoài thật sự là một sự trống vắng, hẫng hụt cho các nhà văn viết cho thiếu nhi.

Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, "Dế mèn phiêu lưu kí" của nhà văn Tô Hoài ra đời khi tác giả mới ở tuổi 17 và nhanh chóng xác lập vị trí là tác phẩm tiêu biểu nhất viết cho thiếu nhi. Bằng tác phẩm tiêu biểu này, Tô Hoài được đánh giá là nhà văn Việt Nam đầu tiên bắt đầu dòng văn học thiếu nhi ở Việt Nam.

Quan niệm của nhà văn Tô Hoài khi viết truyện cho thiếu nhi là phải làm cho thiếu nhi thích bằng những câu chuyện vui, hóm hỉnh, sinh động và quen thuộc, gần gũi với các em. Tuy nhiên, ông cũng quan niệm rằng: Viết cho thiếu nhi, người lớn cũng phải thích. Theo nhà văn Lê Phương Liên, những tác phẩm của nhà văn Tô Hoài lúc nhỏ đọc đã thích nhưng mới chỉ hiểu được một phần, sau này lớn lên, vẫn độc giả ấy lại tự tìm ra những cái hay mới. Người lớn càng từng trải càng ngấm những điều hay trong tác phẩm của Tô Hoài.

Nhà văn Tô Hoài thường căn dặn lớp nhà văn viết cho thiếu nhi rằng phải làm thế nào để tính chất giáo dục trong chuyện không được quá lộ liễu, phải khiến thiếu nhi tự nhận thức ra. Như nhân vật Dế mèn tự nhận thức mình, từ một kẻ hung hăng, thích bắt nạt người khác, chú đã biết yêu thương mọi người. Trong cuộc chu du, nhân vật Dế mèn đã tự khai sáng, tâm hồn chú đã trở nên nhân hậu với mong muốn một thế giới đại đồng "muôn loài cùng kết anh em". "Dế mèn phiêu lưu ký" đã miêu tả một xã hội loài vật mang bóng dáng con người, có những nhân vật "Ếch ngồi đáy giếng", với những tư tưởng đấu đá chèn ép lẫn nhau thật thiển cận và hẹp hòi để chuốc lấy hư danh hão huyền…

Tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài được dịch và xuất bản ở hơn 40 quốc gia. Thiếu nhi quốc tế yêu thích nhân vật Dế mèn bởi tính nhân văn sâu sắc của nhân vật trong một thế giới luôn cần sự giao hòa, nhân ái giữa mọi dân tộc.

Nhà văn Tô Hoài là người tham gia sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng (năm 1957) để đưa các tác phẩm thiếu nhi đến với các em nhỏ. Chính Tô Hoài đặt tên Kim Đồng cho nhà xuất bản, ông cũng chính là người viết truyện "Kim Đồng". Trước đó, ông còn cùng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sáng lập ra Tủ sách Kim Đồng ở chiến khu Việt Bắc. Ông cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Văn học thiếu nhi – Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Lê Phương Liên cho biết, trong suốt cuộc đời mình, Tô Hoài luôn đau đáu với dòng văn học thiếu nhi. Ông thường khuyên các nhà văn phải luôn hướng về thiếu nhi, viết cho các em. Theo ông, trẻ em cần phải được tiếp xúc với tinh hoa văn học từ bé và sớm hình thành thói quen đọc sách. Nền văn học cho thiếu nhi thể hiện tương lai của cả ngành sách và xuất bản.

Viết cho thiếu nhi từ năm 17 tuổi, đến năm 80 tuổi Tô Hoài vẫn trăn trở với các tác phẩm văn học dành cho trẻ em. Ông khai thác vốn dân tộc, kể lại các câu chuyện cổ tích bằng ngôn từ mới với các tác phẩm như: Ông trạng chuối, Quả dưa đỏ, Nỏ thần, Nhà Chử… Theo nhà văn Lê Phương Liên, các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài có cách dùng từ rất tinh xảo, vừa dân dã, vừa thượng lưu, vừa tinh tường lại vừa giản dị. Trẻ em khi đọc những tác phẩm của Tô Hoài sẽ được thưởng thức những "bữa cỗ về ngôn từ", làm dày lên rất nhiều vốn từ Tiếng Việt của các em.

Nhà văn Tô Hoài luôn mong muốn văn học thiếu nhi Việt Nam phải phát triển. Nhà văn Lê Phương Liên kể rằng ông thường hay trăn trở với anh chị em nhà văn bằng một câu hỏi: "Bao nhiêu năm không có được quyển nào hơn quyển Dế mèn của tôi à". Rơm rớm nước mắt, nhà văn Lê Phương Liên nghẹn lại khi kể về cái tâm của "cây đại thụ" Tô Hoài khi luôn cổ vũ, động viên các nhà văn trẻ viết cho thiếu nhi.

Mặc dù đã đi xa nhưng các tác phẩm, sức truyền cảm của ngòi bút Tô Hoài sẽ còn in dấu trong nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Các thế hệ nhà văn sẽ luôn nhớ đôi mắt cười tỏa sáng, nụ cười tủm tỉm hiền từ của Tô Hoài và những lời dặn dò, cổ vũ, động viên phải dành hết tâm sức viết cho thiếu nhi, vì một tương lai văn hóa đọc, vì những tâm hồn trong sáng, bay bổng của thiếu nhi Việt Nam.

Nhật Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét