Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Thần tốc trồng, chặt cao su: Người dân tự làm tự chịu!?

(Thị trường) - Chỉ số thống kê dự báo của Việt Nam không sát dẫn đến biến động, nay trồng mai chặt cao su.

Chặt vàng trắng cao su: Ai biến nông dân thành "chuột bạch"? Vàng trắng cao su: Nghịch dị trồng nhanh, chặt thần tốc

PV: Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa thống kê, đến hết tháng 6/2014, cao su bị thanh lý, chuyển đổi trên cả nước vào khoảng trên 3.300ha. Các phương tiện truyền thông cũng phản ánh, người dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên chặt bỏ loại cây được gọi là vàng trắng này. Trước đó, theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800.000 ha cao su nhưng đến hết năm 2012, tổng diện tích cao su đã là 915.000 ha. Ồ ạt trồng rồi ồ ạt chặt, ông nghĩ gì về sự thần tốc này?

Ông Bùi Đức Thụ: Nếu phát triển nhanh vẫn nằm trong quy hoạch thì không đáng ngại vì quy hoạch là tầm nhìn chung dài hạn có tính đến sự phát triển và đã cân đối cung cầu, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng... Tuy nhiên, chưa đến năm 2020, còn cách những 8 năm mà diện tích cao su đã vượt quá quy hoạch 115.000ha là điều không bình thường.

Ở đây đặt ra câu chuyện: quy hoạch thấp nhưng thực hiện cao. Nếu như phần vượt trội phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, với dự báo thị trường... thì lỗi này là lỗi của Nhà nước đã chậm điều chỉnh quy hoạch. Nhưng nếu quy hoạch và dự báo chuẩn rồi mà phát triển tự phát, ồ ạt cây cao su dẫn đến vượt quy hoạch trong khi không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, dự báo cung cầu thì đây là vấn đề không bình thường, phải chấn chỉnh, rút kinh nhiệm.

Việc chặt quá nhanh cũng lại là một điều không bình thường vì cây cao su phải đầu tư lớn, sau 7 năm mới khai thác được.

Nguyên nhân của việc chặt cao su có nhiều: khảo sát điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng không phù hợp, phát triển cao su tự phát đến tận vùng ven biển... Vì thế, phải thu hẹp vì không phù hợp là tất yếu, là bài học cho quản lý triển khai thực hiện quy hoạch.

Nhưng nếu trồng cao su nằm trong quy hoạch và phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, sau nhiều năm đi vào khai thác, người dân buộc phải chặt đi là một tổn thất lớn và không bình thường trong quản lý điều hành kinh tế, xã hội.

Tại sao lại như vậy? Đó là do sự bất ổn, diễn biến khôn lường của thị trường, đặc biệt thị trường mủ cao su thô năm ngoái năm nay xuống quá thấp dẫn đến việc người dân không đủ bù đắp được chi phí sản xuất, do đó buộc phải chặt đi.

Thần tốc trồng, chặt cao su: Người dân tự làm tự chịu!? - chatcaosu_9102337.jpg
Cao su được đốn để bán gỗ ở xã Nghĩa Thắng, H.Đắk Rlấp, Đắk Nông

PV: Điều nghịch dị là trong khi nông dân các vùng cao su truyền thống (Đông Nam Bộ, Tây Nguyên) ồ ạt chặt bỏ cao su thì Tây Bắc, nơi kỵ cao su lại đang phát triển loại cây này. Đáng lưu ý, số cao su bị chặt lại có nhiều diện tích đang cho mủ. Phải hiểu điều nghịch dị này thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Đức Thụ: Nếu diện tích cao su ở Tây Bắc vẫn nằm trong quy hoạch thì đó là điều bình thường. Tôi ở Tây Bắc nên rất hiểu đời sống đồng bào. Khi làm thủy điện lớn, toàn bộ vùng bất động sản có thể canh tác yên ổn của đồng bào nằm trong vùng ngập, thế nên buộc phải tái định cư. Có thể Nhà nước bố trí khu tái định cư tốt hơn chỗ ở cũ nhưng vấn đề đặt ra ở đây là đất sản xuất. Với điều kiện như ở Tây Bắc, nhiều núi dốc 70 độ thì không chuyển đổi cơ cấu cây trồng dân sẽ mãi đói nghèo.

Vì thế, khảo sát chuyển đổi một vùng Tây Bắc, đặc biệt đối với vùng núi thấp để trồng cây cao su là cần thiết để ổn định đời sống dân cư.

Đối với vùng cao su truyền thống như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây cao su nhưng giờ lại chặt đi, cần xác định nguyên nhân rõ ràng. Ở đây chủ yếu là do biến đổi giá cả thị trường tiêu thụ làm người trồng cao su lỗ nên họ buộc phải chặt.

Thứ hai, cần xem xét loại cao su nào bị chặt. Tuổi thọ của cao su được khai thác khoảng 70 năm, nhưng ở những năm cuối cây cao su cỗi, năng suất kém thì có thể thông qua biến động thị trường để tái cơ cấu lại diện tích trồng cao su, đem lại giống mới có năng suất cao hơn, hiệu quả hơn thì đó lại là quá trình tích cực. Nhưng nếu họ chặt đi mà không trồng lại lại là vấn đề khác. Cần xem xét hành vi chặt cao su cụ thể để có giải pháp phù hợp.

Còn chặt do tự phát, dự báo cung cầu không sát, cái đấy cũng phải tính. Tuy nhiên, đối với thị trường cao su phải nhìn vào dài hạn chứ biến động có thể năm ngoái xuống, năm nay xuống nhưng không có nghĩa rằng những năm tiếp theo giá mủ cao su thấp.

Phải dự báo nhu cầu ở 5 năm, 10 năm, 20 năm tiếp theo vì đây là trồng cao su khai thác gần 100 năm. Có điều những chỉ số thống kê dự báo của Việt Nam không sát dẫn đến biến động, nay trồng mai chặt. Trong trường hợp biến động nhất thời, trong một số năm nhất định thì phải duy trì. Nhưng nếu dự báo dài hạn là phát triển cao su như vậy cung vượt cầu thì dứt khoát phải điều chỉnh, tái cơ cấu lại cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Còn trong dài hạn, với diện tích cao su như thế là đảm bảo cung cầu nhưng giá giảm trong ngắn hạn thì cần phải có bảo hiểm, thậm chí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào bảo hiểm cây cao su để giảm bớt thiệt hại đối với người dân, duy trì diện tích cao su đã và đang khai thác.

PV: Nhưng thưa ông, trong khi cơ quan chức năng chưa có khả năng dự báo dài hạn, dự báo ngắn hạn lại chưa chuẩn xác thì người nông dân đã phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc đầu tư vào cây cao su. Hậu quả cuối cùng vẫn là người nông dân phải gánh chịu tất cả thiệt hại?

Ông Bùi Đức Thụ: Đúng vậy. Nhà nước quản lý b���ng quy hoạch, kế hoạch, kế hoạch không chuẩn, không sát tình hình thị trường, không sát với cung cầu thì dẫn đến tổn hại cho dân là tất yếu. Cái này thuộc về trách nhiệm của người thực hiện quy hoạch, đó là cơ quan nhà nước.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, không chỉ vì chính trị, quân sự, ngoại giao mà biến động trong kinh tế, thị trường cộng với tầm nhìn của hạn chế dẫn đến chất lượng quy hoạch rõ ràng không ổn. Nhìn tổng thể, dự báo trong từng ngành, từng lĩnh vực không ổn dẫn đến để lại thiệt hại cho dân cũng chính là cho đất nước.

Vừa qua chúng ta cho phép rà soát, điều chỉnh hàng năm để cho phù hợp nhưng đầu tư cây cao su là là đầu tư dài hạn, nay điều chỉnh, quy định diện tích này, mai điều chỉnh diện tích kia thì vô hình trung lại khuyến nghị người dân nay trồng mai chặt thì ảnh hưởng đến cái đó. Đây là nhược điểm mà Nhà nước cần khắc phục để nâng cao chất lượng về quy hoạch.

PV: Các nhà khoa học đã cảnh báo rất nhiều về tình trạng phát triển cây cao su một cách tràn lan. Trồng thần tốc, đến bây giờ chặt cũng thần tốc, phải chăng đây là hệ quả của việc sau lầm về chủ trương, lời cảnh báo từ nhiều năm trước đã ứng nghiệm?

Ông Bùi Đức Thụ: Nếu trồng trong quy hoạch mà vẫn bị tổn hại thì có trách nhiệm Nhà nước. Còn quy hoạch thế này, dân tự phát trồng thêm thì Nhà nước không chịu trách nhiệm, người dân phải chịu hậu quả bởi họ tự quyết định sản xuất cái gì, như thế nào, cho ai. Nhưng hậu quả gì đi chăng nữa cũng ảnh hưởng đến dân, đến nền kinh tế.

Vì thế phải sớm hình thành bảo hiểm các ngành, trong đó có cây cao su. Nếu tổn hại quá lớn thì nhà nước cần có hỗ trợ cần thiết, tượng tự như như bảo hiểm thân tàu của ngư dân đánh bắt xa bờ. Ngư dân đóng bảo hiểm, nhà nước hỗ trợ 30%. Ngành cao su là ngành chiến lược phát triển nông nghiệp cần ổn định thì Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ. Mức hỗ trợ thế nào, cơ chế hỗ trợ ra sao thì giao các bộ chuyên ngành xây dựng đề án để sớm trình chính phủ thông qua, ổn định tình hình trồng, chặt cây cao su.

PV:Câu chuyện về cây cao su được các đại biểu Quốc hội quan tâm thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Đức Thụ: Các đại biểu không nói nhiều về cây cao su mà chỉ nói chung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ nông nghiệp, các ngành nghề. Việc trình bày cũng không rõ nét như những gì các cơ quan thông tin báo chí nêu. Tuy nhiên, bây giờ khi tình trạng chặt tương đối phổ biến, diện tích chặt tương đối lớn, tổn thất tương đối nhiều thì cần xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.

Tôi cho rằng trước mắt Bộ Nông nghiệp cần rà soát, khảo sát điều tra trình Chính phủ một phương án cụ thể có cần bảo hiểm cao su không, Nhà nước hỗ trợ đến đâu, có cần điều chỉnh quy hoạch không, thậm chí cần làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cá nhân dẫn đến tình trạng này. Và khi Quốc hội chất vấn cũng phải trả lời chứ không phải để đến lúc chặt vãn cao su rồi, Quốc hội chất vấn có làm rõ trách nhiệm nhưng lúc bấy giờ cũng quá muộn.

Chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát, phải có đề án, giải pháp toàn diện và quan trọng hơn là kịp thời xử lý vấn đề này.

PV: Hiện Lai Châu đã trở thành "thủ phủ cây cao su" ở Tây Bắc với hơn 11.000 ha. Là ĐBQH của tỉnh Lai Châu, tại sao ông không đưa vấn đề cây cao su lên bàn Quốc hội bởi như nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, Tây Bắc là nơi hoàn toàn không thích hợp để trồng cao su, cả về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu...?

Ông Bùi Đức Thụ: Thứ nhất, đây chưa phải vấn đề lớn mà Quốc hội bàn. Nếu bàn những vấn đề nhỏ, quy mô tầm này thì Quốc hội không có thời gian. Một số cơ quan, cá nhân nói thế thôi cứ thực tế cao su trồng ở Tây Bắc là Tập đoàn Cao su Việt Nam liên minh với dân, dân góp đất để trồng. Tập đoàn Cao su có chuyên ngành, trong các đề án báo cáo của họ có dự án tiền khả thi, khả thi, thuyết minh, dự báo. Họ khẳng định khác ý mọi người nói, rằng Tây Bắc trồng được và có hiệu quả chứ.

Đúng là điều kiện ở Tây Bắc không thuận lợi bằng Đông Nam Bộ, nhưng so với hạch toán trên giá cả thị trường thế giới thì thấy có hiệu quả nên Tập đoàn Cao su mới bỏ phần lớn vốn, chứ dân bỏ vốn ít, chủ yếu góp đất.

Tôi đã đi khắp vùng biên, ở bên kia dòng Nậm Thi rừng cao su của Trung Quốc nhìn bạt ngàn, rất đẹp. Trung Quốc đi trước chúng ta nhiều năm, vẫn trồng được cao su ở địa hình cao hơn.

Đó là một luận chứng thực tiễn để kiểm nghiệm các lý luận, quan điểm. Cá nhân tôi cho rằng điều kiện để trồng cao su ở vùng thấp Sìn Hồ, Phong Thổ là phù hợp. Nhưng giá mủ liên tục giảm trong mấy năm gần đây dẫn đến không bù đắp đủ chi phí và vùng có lợi thế như Đông Nam Bộ cũng còn không trụ được, phải chặt đi thì Tây Bắc khó khăn hơn nhiều .

Đó là cảnh báo, còn giờ chính phủ phải có phân công, dự báo thị trường đối với từng ngành hàng qua nghiên cứu, tiếp xúc. Chúng ta có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ, họ phải nghiên cứu và trả lời câu hỏi: trồng được không, diện tích bao nhiêu, ở điều kiện kiện nào, chế biến trong nướ thế nào...Chính phủ nên có đề án giao các bộ chủ trì, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Thành Luân (Thực hiện)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét